Washington, D.C., ngày 18 tháng 6 năm 2025 — Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra tối hậu thư cứng rắn đối với Iran, yêu cầu nước này "đầu hàng vô điều kiện" trong bối cảnh tuyên bố không phận Iran đã bị "kiểm soát hoàn toàn". Trong phát biểu ngày 17/6, ông Trump không nêu rõ lực lượng nào đạt được sự kiểm soát này, nhưng nhấn mạnh sự vượt trội của các hệ thống phòng thủ do Mỹ chế tạo. "Chúng tôi đã kiểm soát hoàn toàn không phận Iran. Họ có các hệ thống phòng không và giám sát tinh vi, nhưng không thể sánh với những gì Mỹ sản xuất. Không ai làm tốt hơn nước Mỹ", ông nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Kananaskis, Canada, ngày 16/6/2025. Ảnh: AP
Lời phát biểu của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Trung Đông, nơi Israel và Iran đang mắc kẹt trong cuộc xung đột kéo dài 5 ngày mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tổng thống Mỹ ám chỉ sự kiềm chế khi cho biết Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei vẫn an toàn vì Mỹ "biết nơi ông ta ẩn náu nhưng chưa muốn hành động". Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng "sự kiên nhẫn của chúng tôi đang cạn dần" và kêu gọi Iran tránh các cuộc tấn công nhằm vào binh sĩ hoặc dân thường Mỹ.
Cuộc xung đột bùng nổ vào ngày 13/6 khi Israel phát động cuộc không kích phủ đầu vào Iran, mang tên mã "Sư tử Trỗi dậy", nhắm vào các chỉ huy cấp cao và nhà khoa học hạt nhân của Iran. Tehran đáp trả bằng chiến dịch "Lời hứa Đích thực 3", làm gia tăng vòng xoáy bạo lực. Theo giới chức Iran, 224 người, chủ yếu là dân thường, đã thiệt mạng và 1.227 người bị thương trong 5 ngày giao tranh. Tại Israel, 24 dân thường đã thiệt mạng và 592 người bị thương.
Tên lửa phóng từ Iran bị đánh chặn, được nhìn thấy từ Tel Aviv, Israel, ngày 18/6/2025. (Ảnh: Reuters)
Dù ông Trump nhiều lần khẳng định Mỹ không tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột, nhưng vẫn còn nhiều nghi vấn về vai trò của Washington. Ngày 16/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth thông báo triển khai thêm lực lượng đến Trung Đông để tăng cường khả năng phòng thủ và bảo vệ các lực lượng Mỹ trong khu vực. Dữ liệu từ các trang theo dõi hàng không dân sự cho thấy ít nhất 32 máy bay tiếp nhiên liệu KC-135R và KC-46A của Không quân Mỹ đã xuất phát từ các căn cứ trên khắp nước Mỹ trong cùng ngày, hướng về phía đông, vượt Đại Tây Dương đến các địa điểm ở châu Âu và Trung Đông.
Khói bốc lên từ một đám cháy trong bối cảnh cuộc chiến trên không giữa Israel và Iran tiếp diễn tại Tehran, Iran, trong hình ảnh tĩnh được lấy từ video trên mạng xã hội, công bố ngày 17/6/2025. (Ảnh: Reuters)
Đại sứ Israel tại Mỹ, Yechiel Leiter, bày tỏ lòng biết ơn đối với sự hỗ trợ của Mỹ, đặc biệt là việc triển khai các hệ thống phòng thủ tiên tiến như Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn Cuối (THAAD). "Chúng tôi vô cùng cảm kích và biết ơn các hệ thống mà Mỹ đã đưa vào sử dụng. Hệ thống như THAAD đã cứu sống hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người trong những ngày qua", ông Leiter nói, xác nhận rằng Tel Aviv đã đề nghị Washington thiết lập trạng thái phòng thủ.
Tuy nhiên, ông Trump nhấn mạnh rằng Mỹ tìm cách tránh leo thang xung đột, kêu gọi Iran từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy chấm dứt chiến sự. "Chúng tôi không muốn tên lửa nhằm vào dân thường hay binh sĩ của mình", ông nói.
Cách ông Trump đề cập mơ hồ đến "chúng tôi" khi nói về việc kiểm soát không phận Iran đã làm dấy lên suy đoán về mức độ can dự của Mỹ, đặc biệt là trong sự phối hợp với Israel. Dù Washington chưa chính thức xác nhận tham gia các hoạt động tấn công, nhưng sự di chuyển đáng kể của các tài sản quân sự Mỹ cho thấy trạng thái sẵn sàng cao độ.
Khi xung đột bước sang ngày thứ sáu, cộng đồng quốc tế đang theo dõi sát sao, với lo ngại về thương vong dân sự và nguy cơ bất ổn khu vực gia tăng. Cả Israel và Iran đều chưa cho thấy dấu hiệu sẵn sàng xuống thang, khiến con đường dẫn đến hòa giải vẫn còn mịt mờ.
Tác giả: Hồng Nhung (Theo AFP, AP, Reuters)