Dấu ấn Phó thủ tướng Lê Văn Thành ở thành phố cảng Hải Phòng

Trong 7 năm giữ cương vị Chủ tịch, Bí thư Hải Phòng, ông Lê Văn Thành đã "đánh thức thành phố sau cơn ngủ say", trở thành trung tâm công nghiệp lớn của cả nước.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành qua đời lúc 20h20 ngày 22/8 tại nhà riêng ở phố Lạch Tray, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng sau thời gian lâm bệnh nặng, thọ 61 tuổi. Sinh ra trong một gia đình nông dân ở huyện Vĩnh Bảo, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân, ông Thành trở về quê nhà, khởi đầu sự nghiệp với vị trí kế toán tại nhà máy xi măng Hải Phòng. Năm 43 tuổi, ông làm quyền giám đốc nhà máy, sau đó giữ chức giám đốc.

Từ năm 2010, ông là Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng, 4 năm sau giữ chức Chủ tịch UBND, rồi Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch UBND, HĐND thành phố.

Khát vọng đưa Hải Phòng phát triển rực rỡ

Ông Lê Văn Thành được người dân Hải Phòng biết đến từ năm 2007, khi Công ty Xi măng Hải Phòng do ông làm giám đốc tiếp quản đội bóng thành phố. Với sự hậu thuẫn của ông, đội bóng Xi Măng Hải Phòng đã trở thành một trong những đội mạnh, có lượng cổ động viên đông đảo nhất V-League. Nhiều người đánh giá ông Lê Văn Thành đã viết những trang huy hoàng nhất cho bóng đá đất Cảng.

Chúc Tết Tân Sửu năm 2021, ông Thành nói luôn đau đáu khát vọng đưa thành phố hoa phượng đỏ "bước vào thời kỳ phát triển rực rỡ". Thực tế, trong giai đoạn ông giữ vị trí người đứng đầu thành phố, Hải Phòng đã phát triển đột phá. Các dự án 1.000-2.000 tỷ đồng được thực hiện mà không cần chờ nguồn ngân sách Trung ương. Hàng chục tỷ đồng đã được đầu tư xây dựng nông thôn mới, mở rộng quy mô và chỉnh trang đô thị.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn hai, tháng 9/2021.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn hai, tháng 9/2021. Ảnh: Đức Tuân

Theo Cục Thống kê TP Hải Phòng, tổng vốn đầu tư 5 năm dưới thời Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành (2016-2021) lên tới gần 564.300 tỷ đồng, gấp ba nhiệm kỳ trước, trong đó 90% là vốn ngoài nhà nước. "Phải coi công việc của doanh nghiệp như công việc của mình thì mới làm tốt được. Đưa công trình vào sử dụng sớm một năm, vị thế thành phố thay đổi. Nếu chúng ta chần chừ, doanh nghiệp sẽ bỏ đi", ông nói khi kiểm tra tiến độ dự án tại huyện đảo Cát Bà năm 2018.

Bên cạnh thu hút các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) tỷ đô, Hải Phòng thời kỳ này là điểm đến của nhiều tập đoàn lớn trong nước. Thành phố đẩy mạnh phát triển hàng loạt ngành công nghiệp như đóng tàu, sản xuất phôi thép, thép cán, sản xuất và phân phối điện, sản xuất và lắp ráp ôtô, gia công linh kiện, dệt may, da dày... Năm 2017, Tập đoàn Vingroup đầu tư và hoàn thành Nhà máy sản xuất ôtô Vinfast với tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD. Hải Phòng trở thành trung tâm công nghiệp lớn của cả nước.

Kinh tế thành phố luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tổng sản phẩm (GRDP) bình quân 2016-2020 tăng 13,94%/năm, gần gấp đôi giai đoạn trước. Quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2020 ước đạt 276,6 nghìn tỷ đồng (tương đương 12 tỷ USD), gấp 2,1 lần so với năm 2015, đứng thứ 2 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

GRDP bình quân đầu người của thành phố năm 2020 ước đạt 5.863 USD, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội 15 đề ra (5.600 USD), gấp gần 2 lần so với năm 2015 (3.042 USD), gấp gần 2 lần của cả nước (3.000 USD).

%Tăng trưởng kinh tế Hải PhòngTừ 2010-nayGRDPXuất khẩuChỉ số sản xuất công nghiệp2012201420162018202020220255075100VnExpress

Giai đoạn 2015-2020, Hải Phòng xây dựng được 46 cầu cùng hàng trăm km đường với tổng vốn đầu tư gần 44.000 tỷ đồng. Đó không chỉ là những cầu biểu tượng như Tân Vũ - Lạch Huyện, Hoàng Văn Thụ mà còn có nhiều cầu ở ngoại thành, được người dân mong mỏi hàng thế kỷ như cầu Đăng, cầu Hàn và loạt cầu vượt nội đô giúp giảm ùn tắc giao thông.

Ông Thành có thói quen dậy sớm, từ 4-5h, để đi ngắm các công trình trong thành phố. Ông thường xuyên đến thực địa đôn đốc tiến độ, lắng nghe và tháo gỡ vướng mắc dự án, nhất là về giải phóng mặt bằng; từ đó yêu cầu nhà thầu, chủ đầu tư tập trung nguồn lực để về đích trước hạn.

Năm 2019, ông chỉ đạo dành 1.000 tỷ đồng trải nhựa toàn bộ tuyến đường trong thành phố, bởi "chúng ta phát triển thương mại, du lịch, văn minh mà đường nhiều ổ gà quá". Đầu năm 2021, ông Thành giao các quận lập đề án mỗi phường xây một công viên ở khu đông dân để người dân có nơi vui chơi.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành lái thử xe điện qua khu vực thử nghiệm ngập nước, ngày 3/11/2018. Ảnh: Lê Tân

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành lái thử xe điện qua khu vực thử nghiệm ngập nước, ngày 3/11/2018. Ảnh: Lê Tân

Ông Nguyễn Hữu Doãn, nguyên trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng, nói ngoài những quyết sách, định hướng táo bạo về phát triển kinh tế, ông Lê Văn Thành luôn quan tâm đặc biệt đến đời sống nông thôn, giáo dục và chính sách an sinh xã hội. Với vai trò Bí thư Thành ủy, ông luôn xác định phát triển kinh tế gắn với ổn định xã hội, không để ai bỏ lại phía sau.

HĐND thành phố thời ông Thành làm chủ tịch đã ra loạt nghị quyết được duy trì đến nay như tăng tiền thăm hỏi người có công; hỗ trợ xi măng, gạch để sửa nhà cho người có công và hộ nghèo; phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi; tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ giáo viên giỏi. Học sinh giỏi quốc gia, quốc tế tại Hải Phòng được thưởng đến 500 triệu đồng. Học sinh từ mầm non tới phổ thông được hỗ trợ học phí.

Tháng 3/2020, khi thành phố có nguy cơ bùng phát Covid-19, người dân đổ xô đến siêu thị tích trữ lương thực, thực phẩm. Ông Thành tuyên bố các khu vực cách ly trong thành phố sẽ được phát lương thực, thực phẩm miễn phí. Ông nói: "Thành phố điện thoại là hàng chục tàu mì ăn liền, tàu gạo, thực phẩm cập cảng. Nếu có dịch xảy ra trên địa bàn, chính quyền sẽ đứng lên lo cho người dân".

Việc chỉnh trang và mở rộng không gian đô thị cũng diễn ra mạnh mẽ, các bến xe được chuyển ra ngoại thành, trải lại mặt đường các tuyến phố, xây hàng loạt công viên. Nhờ đó bộ mặt thành phố ngày càng thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại.

Phát biểu khi chia tay Hải Phòng trước khi ra Trung ương làm Phó thủ tướng, ông Thành chia sẻ, bản thân gắn bó với thành phố bằng tình yêu quê hương và khát vọng cống hiến. Ông tự đánh giá, sự phát triển của đất Cảng có phần đóng góp của mình trên các cương vị lãnh đạo thành phố.

"Anh Lê Văn Thành là nhà lãnh đạo có tâm và tài, dám nghĩ xa và làm lớn, quyết liệt và dám chịu trách nhiệm, sâu sát và cụ thể. Anh cũng là người giản dị, ấm áp và ân tình", ông Nguyễn Xuân Bình, nguyên Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng, bày tỏ.

Phó thủ tướng năng nổ, quyết đoán

Tháng 4/2021, ông Lê Văn Thành được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm Phó thủ tướng. Trong hơn hai năm đảm nhiệm cương vị này, ông có một năm rưỡi tất bật công việc trước khi vắng mặt thời gian dài.

Ông thường xuyên kiểm tra thực tế các công trường, đặc biệt là các tuyến cao tốc Bắc Nam, đốc thúc các đơn vị nhằm hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 toàn quốc có 3.000 km cao tốc. Ngày 30/6/2021, khi kiểm tra thực địa tuyến Cao bồ - Mai Sơn (Ninh Bình) và Mai Sơn - Quốc lộ 45 (Thanh Hóa), ông chỉ đạo làm rõ trách nhiệm các bên khi "nguồn vốn có, công trình tầm quốc gia, được nhân dân mong chờ nhưng tiến độ lại chậm".

Phó thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, tháng 4/2022. Ảnh: Đức Tuân

Phó thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, tháng 4/2022. Ảnh: Đức Tuân

Trong các cuộc họp và thị sát thực tế, ông Thành luôn yêu cầu rút ngắn thời gian chuẩn bị thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng, để sớm hoàn thành các đoạn cao tốc Bắc Nam. "Tiến độ thi công là thước đo trách nhiệm, danh dự, thương hiệu của nhà thầu", ông nói khi phát động thi đua 120 ngày đêm thông xe dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Trong nửa đầu năm nay, bốn đoạn cao tốc đều đã thông xe.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành thường xuyên có mặt tại tâm bão, rốn lũ. Tháng 9/2022, khi bão Noru sắp đổ bộ, ông đến Quảng Trị thị sát và chỉ đạo các tỉnh chống bão xuyên đêm. Một tháng sau, ông vào rốn lũ Thừa Thiên Huế thăm hỏi, chia sẻ với người dân, sau đó vào Quảng Trị kiểm tra sạt lở bờ sông Thạch Hãn.

Quan điểm phát triển xanh, bền vững từ Hải Phòng cũng được ông chỉ đạo các đơn vị làm quy hoạch. "Không điều chỉnh cục bộ quy hoạch những nơi quy hoạch cây xanh, mặt nước, công trình an sinh xã hội sang nhà ở, kinh doanh thương mại", Phó thủ tướng Lê Văn Thành nói hồi tháng 4/2022.

Tại phiên họp Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình giao thông trọng điểm quốc gia ngày 16/11/2022, ông một lần nữa yêu cầu các ban quản lý làm rõ trách nhiệm khi dự án cao tốc Bắc Nam chưa đạt yêu cầu. Đây cũng là lần cuối ông Thành xuất hiện trước công chúng, sau đó vắng mặt đến lúc qua đời.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành đi thuyền đến thăm hỏi người dân vùng rốn lũ tại Thừa Thiên Huế, tháng 10/2022. Ảnh: Đức Tuân

Phó thủ tướng Lê Văn Thành đi thuyền đến thăm hỏi người dân vùng rốn lũ tại Thừa Thiên Huế, tháng 10/2022. Ảnh: Đức Tuân

Ban Bí thư đã quyết định tổ chức lễ tang Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Lê Văn Thành theo nghi thức Nhà nước, tại thành phố Hải Phòng. Ban lễ tang gồm 23 thành viên, do Phó thủ tướng Lê Minh Khái làm trưởng ban. Linh cữu Phó thủ tướng Lê Văn Thành quàn tại Trung tâm Hội nghị thành phố Hải Phòng. Lễ viếng ông từ 9h ngày 24/8 đến 7h ngày 26/8. Ông yên nghỉ tại nghĩa trang quê nhà, xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng.

Tác giả: Lê Tân - Viết Tuân

Nguồn tin: vnexpress.net

Tin liên quan
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây