Nhiều bạn trẻ tìm kiếm công việc làm thêm ngay từ năm nhất đại học với mong muốn kiếm thêm thu nhập và có thêm nhiều trải nghiệm. Có không ít những công việc làm bán thời gian cho sinh viên nhưng với những người “lính mới” chưa có kinh nghiệm, chưa có kỹ năng làm việc cơ bản và kiến thức về ngành nghề còn hạn chế thì việc tìm một công việc bám sát ngành học không phải điều dễ dàng. Do đó, nhiều tân sinh viên bắt đầu với những công việc “không yêu cầu kinh nghiệm, đào tạo từ A đến Z…” . Những cạm bẫy bắt đầu từ đây.
Tự biến mình thành kẻ lừa đảo
“Tuyển nhân viên bán hàng không yêu cầu kinh nghiệm, phỏng vấn đi làm ngay…” là những lời tuyển dụng phổ biến trên các hội, nhóm về việc làm trên mạng xã hội. Không quan tâm đến tên công ty có chính xác, uy tín hay không và công việc cụ thể thế nào, nhiều bạn trẻ vội vàng ứng tuyển ngay vì quảng cáo đánh trúng tâm lý “không yêu cầu kinh nghiệm”.
Sau nhiều lần tìm việc bất thành, Phạm Văn Dương (19 tuổi, sinh viên) được một người giới thiệu cho công việc bán hàng với mức lương 5 triệu đồng, không cần kinh nghiệm. Dương hỏi thì người này mập mờ, không đi vào chi tiết công việc và chỉ nói mặt hàng công ty bán là thực phẩm chức năng.
Tin tưởng người quen và mong muốn đi làm sớm, ngay hôm sau, Dương đến văn phòng công ty tại đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) để xin phỏng vấn. Trong quá trình phỏng vấn, Dương đã đặt câu hỏi về chi tiết công việc nhưng bên tuyển dụng chỉ nói chung chung: “Công việc là bán các sản phẩm liên quan đến chữa vô sinh, hiếm muộn.”
Phạm Văn Dương kể lại: “Mình cảm thấy tội lỗi, cắn rứt khi mình lại làm công việc như vậy.” |
Bắt đầu vào công việc, nhiệm vụ của Dương là gọi điện thoại cho khách hàng, giả giọng người lớn, bác sĩ, dược sĩ để tư vấn cho những người mong muốn có con. Số điện thoại sẽ được phòng marketing chuyển đến mỗi ngày.
“Ngày đầu, họ cho mình quan sát cách làm việc, phát cho mình tài liệu quy trình tư vấn. Mình thấy bất ngờ khi ai gọi điện cũng xưng là bác, cô nhưng vì những người quen của mình đang làm ở đây nên mình cố tiếp tục làm mà không nghi ngờ.”
Những thứ được gọi là “tài liệu quy trình tư vấn” thực chất là những lời nói đoán bệnh, giải thích bệnh và tư vấn bán sản phẩm được ai đó soạn sẵn. Các nhân viên chỉ việc gọi điện và nói theo. Rồi trong vai các bác sĩ, chuyên gia, các nhân viên vẫn đang là “sinh viên” này dựa theo tài liệu mà chẩn đoán bệnh, tư vấn lộ trình điều trị để hướng đến cái kết là bán được hàng. Và rõ ràng, thứ mà công ty này bán là thực phẩm chức năng nhưng những nhân viên tư vấn phải nói là thuốc.
Trong quy trình hướng dẫn đưa cho nhân viên đều đánh tráo khái niệm, cho rằng sản phẩm này là thuốc và có cả lộ trình điều trị, bệnh án |
Tại khoản 3,4 Điều 5, Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quảng cáo đã ghi rõ nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng phải có khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” và Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc. Vậy nên, hành vi tư vấn như trên là vi phạm pháp luật.
Sẽ thế nào nếu các khách hàng, những gia đình gặp trường hợp vô sinh hiếm muộn khi biết phía bên kia điện thoại không phải là bác sĩ mà là những sinh viên chẳng biết gì về y học?
Mang những tài liệu tư vấn mà nhân vật cung cấp đến gặp người có chuyên môn, bác sĩ Nguyễn Hằng (Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) cho rằng: “Những thông tin trong tờ tư vấn này đang đánh tráo khái niệm, trộn lẫn các thông tin giữa thuốc và thực phẩm chức năng. Đặc biệt, nhiều thông tin về bệnh, cách điều trị sai hoàn toàn với chuyên môn, có thể gây nguy hiểm với người dùng.”
Dương chia sẻ: “Mỗi nhân viên phải kéo khách về zalo để chăm sóc hằng ngày, can thiệp vào bữa ăn của họ theo như trong tài liệu quy trình tư vấn. Tuỳ vào tài chính của khách hàng mà chốt đơn, nếu khách khó khăn quá thì nhân viên được hướng dẫn là sẽ xin bên trên giảm cho họ. Có lần mình thấy sản phẩm 2 triệu đồng mà chốt giá 7 trăm ngàn đồng.”
“Mình rời khỏi công ty sau một tuần vì làm việc như thế thấy mình như kẻ đi lừa đảo, tâm lý rất nặng nề.” - Dương tâm sự.
Chàng sinh viên năm nhất đã dứt khoát nghỉ việc để “giữ mình” nhưng còn nhiều bạn trẻ khác, vì lợi nhuận mà bất chấp biến mình thành những kẻ lừa đảo.
Dính bẫy công ty lừa đảo núp bóng đa cấp
Cách đây 1 năm, cũng trong một lần tìm việc làm trên mạng, Nguyễn Huy Hùng (20 tuổi, sinh viên) đã ứng tuyển công việc bán hàng bán thời gian với mức lương cứng được bên tuyển dụng thông báo là 5 triệu đồng/tháng. Những tưởng mình sẽ làm việc tại một cửa hàng nào đó nhưng Hùng được hẹn đến một công ty và phải trải qua quá trình “tẩy não” để tham gia vào đường dây lừa đảo bán hàng đa cấp. Tận đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại những tháng ngày bán sức cho công ty đa cấp này, chàng trai trẻ vẫn thấy rùng mình trước thủ đoạn chúng thao túng các tân sinh viên “gà mờ”.
“Mình được hẹn đến công ty, địa chỉ tại Duy Tân – Cầu Giấy (Hà Nội). Bước vào phòng phỏng vấn, mọi người ở đó tận tình hỏi han, quan tâm ứng viên đi đường có mệt, mưa có ướt hay không. Sau khi phỏng vấn về cũng có người nhắn tin chăm sóc ứng viên như thế. Điều đó làm mình có thiện cảm với công ty này.”
Huy Hùng từng bị thao túng tâm lý khi nghe những “lãnh đạo” diễn thuyết. |
“Khi phỏng vấn, bên tuyển dụng chỉ hỏi qua loa rằng mình đã đi làm ở đâu chưa, mức lương mong muốn là bao nhiêu. Sau đó, họ giữ căn cước của mình với lý do hoàn thiện hồ sơ và trách nhiệm với công ty. Vì mong muốn được đi làm sớm, mình chẳng mảy may nghi ngờ và cũng không dám đặt những câu hỏi chi tiết về việc làm do họ đã hứa đào tạo bài bản. Đến tối, trở về nhà, mình nhận được tin nhắn trúng tuyển và thông báo sáng hôm sau đi làm”.
Nói là đi làm nhưng những ngày đầu, công việc chính của Hùng là ngồi nghe các “sếp” lớn định hướng tương lai. Tất cả những nhân viên mới tuyển ngày hôm qua, hôm nay phải ngồi nghe những câu chuyện về những doanh nhân thành đạt, nhà nghèo vượt khó, từ trắng tay đến có tiền tỉ, xe sang…mà nhân vật chính là những người trong công ty như nhân viên best-seller, trưởng phòng, giám đốc. Những người này vẽ ra một tương lai tươi sáng cho những nhân viên mới rằng sau khi gắn bó với công ty một thời gian sẽ có mức lương lên tới vài chục triệu đồng, nhấn mạnh việc phải “quyết tâm làm giàu, không nghe những ý kiến bên ngoài làm sao nhãng ý chí”…
“Họ chiếu bản đồ thăng tiến của nhân viên lên trên màn hình lớn, những hình ảnh về sự thành công và giàu sang của những nhân viên lâu năm trong công ty. Những chuyến du lịch, team building xa hoa, những showroom lộng lẫy trưng bày sản phẩm. Sau đó cả căn phòng vỗ tay, hô hào hưởng ứng. Mỗi ngày đều có những hội thảo như vậy dành cho nhân viên mới vì họ tuyển liên tục, trung bình một ngày có khoảng 20 bạn đến xin việc, đa phần là sinh viên.” – Huy Hùng kể lại.
Liên tiếp 4 ngày “tẩy não” như thế, các “lính mới” bắt đầu bắt tay vào công việc. Thực chất, công việc là bán hàng qua ứng dụng trên điện thoại, một ứng dụng mà công ty này tạo ra và quảng cáo là để bán hàng cho những người Việt kiều. Mỗi nhân viên đăng ký tài khoản trên ứng dụng bán hàng và một ứng dụng nữa để kết nối khách hàng. Sản phẩm bán hàng vô cùng đa dạng, từ thời trang, mỹ phẩm thực phẩm chức năng… nhưng có đặc điểm chung là không tên tuổi và giá “trên trời”.
Liên tục các bài “phốt” trong các hội nhóm về cảnh báo lừa đảo. |
Chưa bàn đến chất lượng sản phẩm nhưng mức chiết khấu cho nhân viên khi bán được 1 sản phẩm lên tới 30%. Ngay những ngày đầu học việc, các nhân viên mới đều nhận được đơn hàng và vui mừng khi thấy công việc dễ dàng. Sau một tuần đào tạo, mọi thứ bắt đầu lộ dần bản chất đa cấp.
“Mình và các nhân viên khác được đề xuất 2 công việc. Thứ nhất là đồng ý làm nhân viên bán hàng cho các đại lý đối tác, mỗi tháng phải bán được 50 triệu đồng và nếu không đạt được KPI thì không có tiền. Thứ hai là trở thành đại lý theo 3 cấp, nhập hàng về bán và công ty sẽ cấp dữ liệu khách hàng. Cấp 1 là nộp 15 triệu đồng để hưởng hoa hồng 20%, cấp 2 là nộp 20 triệu đồng để nhận 25% và cấp 3 là 50 triệu đồng để nhận về 27%. Số tiền này có thể đóng 1 lần hoặc nhiều lần.”
Khi những người mới tỏ ra e ngại vì tài chính cá nhân không đủ để trở thành đại lý thì những người “sếp” kia liên tục vẽ ra tương lai, khích lệ các nhân viên đóng tiền để trở thành đại lý. Những người “sếp” này khuyên các nhân viên mới “có bao nhiêu cọc bấy nhiêu” rồi “đi vay, cầm cố tài sản” vì chỉ cần bán một tuần là hoàn vốn”.
Vì tài chính không có, Hùng không mạo hiểm và chọn trở thành nhân viên bán hàng và cái kết thì ai cũng đoán được. Những người chọn trở thành nhân viên đều mất thời gian, mất công sức vì đâu ai mua những sản phẩm trôi nổi, không thương hiệu và giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Hùng và một bạn chọn trở thành nhân viên nghỉ việc sau một tháng.
Sau vài tháng, Hùng đọc được liên tiếp các bài cảnh báo của các nạn nhân về công ty này. Huy Hùng vẫn thấy bản thân mình may mắn khi thấy số tiền ôm hàng của các nạn nhân cảnh báo không ngừng tăng lên.
Những người ôm hàng kém chất lượng sẽ sẵn sàng chịu lỗ vì mọi thứ đều là “tự nguyện” tham gia. Trường hợp tệ hơn, những người “đại lý” cấp 1,2,3 này sẽ lại bắt đầu tuyển dụng những nhân viên cấp dưới và vòng lặp đa cấp lại bắt đầu.
Những công việc “không yêu cầu kinh nghiệm” luôn là những tìm kiếm hàng đầu của các tân sinh viên khi bước chân lên giảng đường đại học. Các tân sinh viên cần cẩn thận xem xét khi ứng tuyển vào những công việc kiểu này cần hiểu rõ về tính chất công việc, tham vấn người thân, người có chuyên môn về công việc mình làm, thường xuyên cập nhật tin tức để tránh sa chân vào những “cạm bẫy” đầy mất mát.”
Theo Lê Vượng (Tiền Phong)
Tác giả: Lê Vượng
Nguồn tin: tienphong.vn