Thực tế đã có những nghị định, thông tư và văn bản luật về phòng, chống bạo lực học đường (Điều 6 Nghị định 80/2017/NĐ-CP; Điều 7 Thông tư 38/2019/TT-BLDTBXH ) chỉ ra các biện pháp phòng ngừa, biện pháp hỗ trợ người có nguy cơ bị bạo lực và có những mức xử phạt theo quy định, tuy nhiên việc áp dụng và thực hiện những điều này còn nhiều hạn chế như nhà trường, giáo viên chỉ tập trung vào công tác giảng dạy mà quên đi yếu tố rất quan trọng đó là môi trường giáo dục, từ đó chưa quan tâm và sát sao. Tiếp đến là những hiểu lầm về bạo lực học đường từ cả gia đình và nhà trường và phần quan trọng nữa là diễn biến tâm lý của các nạn nhân khi thường chọn phương án im lặng. Trong khi, những người chứng kiến các vụ bạo lực học đường thường ám ảnh và có tâm lý lo sợ việc trình báo sẽ khiến mình trở thành nạn nhân tiếp theo. (Phần 1)
Phân tích các vụ việc bạo lực học đường, những em học sinh là nạn nhân thường có tâm lý lo sợ, không dám phản ánh với thầy cô bởi các em cho rằng những quy định, cách xử phạt trong trường không đủ mạnh để chấm dứt tình trạng bạo lực học đường và sau đó, bản thân sẽ phải chịu những “thiệt hại” lớn hơn từ những kẻ có hành vi bạo lực. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp khi được báo cáo, các giáo viên hay bậc phụ huynh có thái độ xem nhẹ do hiểu chưa đúng và có sự nhầm lẫn về tổn thương tâm lý dẫn tới những sự việc không đáng có.
TS. Đặng Hoàng Ngân nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục và thực hành những giá trị sống về sự tôn trọng, sự sẻ chia cho trẻ từ sớm. |
Trao đổi về vấn đề này, TS. Đặng Hoàng Ngân – Chuyên gia tâm lý về tâm lý học Phát triển trẻ em và thanh thiếu niên nhận định: “Những người ít quan tâm đến bạo lực học đường thường có niềm tin hoặc giới hạn nhận thức gồm: Hiểu về bạo lực còn hẹp khi cho rằng đánh nhau mới là bạo lực, còn tin đồn, bắt nạt, tấn công cảm xúc thì chưa phải là bạo lực và không nguy hiểm. Họ không cảm nhận được mức độ cảm xúc mà trẻ nói khi trẻ kể rằng mình rất mệt mỏi, sợ hãi, không muốn đến trường,… cho rằng trẻ đang làm quá vấn đề hoặc những cảm xúc đó chỉ là nhất thời. Tiếp đó, người lớn thường lấy kinh nghiệm bản thân để suy ngẫm về hiện tại của con cái (hồi xưa mình cũng xích mích bạn bè vậy, nhưng rồi lớn cũng chơi được với nhau). Cũng có người lầm tưởng rằng trẻ sẽ giải quyết được vấn đề (tin rằng con mình mạnh mẽ, tin rằng các bạn cũng chỉ là những đứa trẻ hồn nhiên). Và quan trọng là hầu như họ chưa có hiểu biết và ý thức đúng về tổn thương tâm lý.
Gỡ nút thắt tâm lý
Đỉnh điểm của bế tắc, một số trường hợp, các em đã chọn cách tự vẫn để giải thoát. Lý giải điều này, TS. Đặng Hoàng Ngân cho rằng: “Khi lựa chọn cái chết để giải thoát, con người bị cảm xúc tuyệt vọng nhấn chìm. Đó là nỗi đau không thể chia sẻ cho ai hiểu. Có thể người đó đã từng nói lên nỗi đau của mình, nhưng người nghe chỉ cho là chuyện nhỏ, hoặc đơn giản hóa vấn đề thành một điều cứ cố chịu đựng thì sẽ qua. Thậm chí, có thể nạn nhân còn bị chỉ trích về những hành động trước đó mình từng sai, hoặc bị chỉnh sửa về thái độ sống, hoặc bị chê trách là yếu đuối, thiếu trách nhiệm, thiếu nghị lực,…
Ảnh minh hoạ. |
Người tự tử đã bế tắc trong việc tìm lối thoát. Họ đã thử nhiều cách trong khả năng có thể của bản thân nhưng không ngừng được hành vi bạo lực. Ngoài ra, không có ai đó đủ thẩm quyền để giúp đỡ khi họ cần. Họ không còn tin tưởng vào những người mình từng chia sẻ hoặc kêu cứu. Bên cạnh đó, một số trường hợp có thể mang theo niềm tin hi hữu rằng việc mình tự tử sẽ khiến những kẻ đã bạo lực mình phải ám ảnh và ăn năn.”
Không ai muốn một kết cục bi thương, điều cần làm là nắm bắt được vấn đề của các em để nhanh chóng có những biện pháp “chữa lành”. Và việc xoa dịu là cả một quá trình đòi hỏi sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình cùng nhiều yếu tố khác.
“Với những học sinh bị tổn thương tâm lý nặng nề từ bạo lực học đường, việc đầu tiên là các em cần được nhà trường, gia đình công nhận là nạn nhân. Sự công bằng phải được lập lại nhờ những khẳng định đúng sai từ những người có thẩm quyền như giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu, những cơ quan khác nếu cùng phụ trách giải quyết sự việc bạo lực.
Các em cần được chăm sóc tinh thần cùng với nhà tâm lý, tập trung vào xây dựng lại niềm tin vào bản thân gồm mình có giá trị, mình có khả năng chấp nhận cả điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, mình xứng đáng được đối xử tôn trọng, thương yêu và bảo vệ. Với những học sinh bị cô lập, xa lánh, nhà tâm lý đồng hành cùng các em trong việc xây dựng các kỹ năng xã hội như khẳng định giá trị bản thân, kết nối với bạn bè, tìm người hỗ trợ cảm xúc khi cần thiết,…” – TS. Đặng Hoàng Ngân chia sẻ.
“Để giải quyết vấn đề bạo lực học đường, trước hết cần ý thức rằng bạo lực học đường hay bắt nạt học đường sẽ luôn xảy ra, vì không thể xóa bỏ hoàn toàn ham muốn quyền lực, kiểm soát người khác ở con người. Như vậy chúng ta mới không né tránh, giảm nhẹ mức độ gây tổn thương của hiện tượng này.
Phòng ngừa bạo lực, bắt nạt học đường giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự tổn thương. Nhà trường có thể tiến hành:
1. Lắp đặt camera ở những khu vực vắng, khuất trong trường.
2. Có hộp thư tâm sự, đường dây nóng, ứng dụng điện thoại,… để học sinh báo cáo các trải nghiệm bạo lực, bắt nạt và những báo cáo này phải được xử lý bởi bộ phận chuyên trách để xác minh, đánh giá vấn đề và hỗ trợ sớm (có thể gồm giáo viên chủ nhiệm lớp có học sinh báo cáo, cán bộ phụ trách thi đua – kỷ luật của trường, nhà tâm lý).
3. Giới thiệu về phòng tham vấn học đường để học sinh được hỗ trợ tâm lý khi cần.
4. Thực hiện các chương trình phòng ngừa bạo lực, bắt nạt học đường bằng cách: thông tin đến học sinh về những hành vi, thái độ nào là bạo lực, bắt nạt; nạn nhân có thể cảm thấy thế nào; tọa đàm nhóm nhỏ để trải nghiệm tình huống của nhân vật và cách giải quyết; tọa đàm nhóm nhỏ về tôn trọng sự khác biệt và tăng cường năng lực thấu cảm; hoạt động xây dựng lòng tự trọng cho học sinh; hướng dẫn học sinh tìm đến địa chỉ tin cậy khi bị bắt nạt, bạo lực (chẳng hạn phụ huynh, phòng tâm lý, giáo viên chủ nhiệm, đường dây bảo vệ trẻ em quốc gia 111); dự phòng cho học sinh rằng một số sự thất vọng có thể xảy ra khi mình chưa được giúp đỡ ngay, nhưng hãy không ngừng tìm kiếm sự trợ giúp.
5. Khi xảy ra sự việc bạo lực, bắt nạt, nhà trường cần là đơn vị kết nối để giải quyết vấn đề như thông báo cho các phụ huynh; tổ chức buổi gặp mặt giữa các phụ huynh, học sinh và nỗ lực để đảm bảo không ai bị tấn công, xúc phạm trong quá trình hai bên hiểu nhau và có những hành động nhận trách nhiệm; liên hệ các cơ quan chức năng khác nếu cần. Lưu ý rằng việc chênh lệch vị thế xã hội và mức độ quyền lực, ảnh hưởng xã hội của phụ huynh có thể tạo sức ép cho buổi gặp mặt. Do đó, nhà trường và các cơ quan chức năng (nếu cần) luôn được kỳ vọng là những người chính trực.
6. Thực hiện chương trình hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân bị bạo lực, bắt nạt. Học sinh thực hiện hành vi bạo lực, bắt nạt cũng cần được hỗ trợ tâm lý để có thể dần dần thay đổi niềm tin, giá trị sống, tăng cường khả năng đồng cảm và giảm nguy cơ chính các em bị cô lập, bạo lực sau này.
Về phía phụ huynh, dự phòng và giải quyết bạo lực, bắt nạt học đường luôn bắt đầu từ việc lắng nghe con cái, chủ động hỏi thăm con, hỏi thăm con thông qua bạn thân (chú ý tôn trọng sự riêng tư và chỉ nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho con mà thôi). Phụ huynh hướng dẫn con cách giao tiếp phi bạo lực, tôn trọng bạn, biết đứng lên bảo vệ mình trong các giới hạn hành vi và đạo đức cho phép. Khi bạo lực đã xảy ra, chính ứng xử của cha mẹ là hình mẫu và chỗ dựa tinh thần rất lớn cho con cái.
Khi phụ huynh từng “trải”
Trong ký ức của những người thuộc thế hệ 9X, bạo lực học đường được nhìn nhận theo góc độ “bọn trẻ đánh nhau” và nhiều khi, cách gia đình và nhà trường nhìn nhận, quan tâm và xử lý những vụ việc này đơn giản là “chuyện trẻ con.” Khi những người con từng phải chịu cảnh “bạo lực” năm ấy lớn lên và xây dựng gia đình, nhiều người đã ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ con mình trước vấn nạn bạo lực học đường.
Chị M.N (32 tuổi, Thái Bình) chia sẻ: “Mình nhớ lại trong suốt những năm cấp 2, mình bị cô lập và ghẻ lạnh. Có lẽ mình có chút khác biệt khi học trường trên thành phố về, hay sự khác biệt về gia đình và qua những lời lẽ của một cá nhân nào đó, mình trở thành đối tượng bị bài trừ và sự bài trừ ấy diễn ra trong nhiều năm. Người lớn nhìn vào sẽ thấy mọi chuyện đơn giản, không chơi với người này thì chơi với người khác nhưng bản thân mình lúc bấy giờ thật sự bị tổn thương, đi học vô cùng áp lực. Đến tận bây giờ khi mình đã có gia đình, nghĩ lại vẫn thấy đau lòng.”
Rõ ràng, mỗi người có mức độ chịu tổn thương về mặt tâm lý khác nhau và tất nhiên người lớn – các bậc phụ huynh, những người từng trải sẽ có mức chịu đựng những tổn thương này tốt hơn. Phải chăng, điều đó làm họ xem nhẹ những “nỗi đau” của con trẻ. Chị N tâm sự: “Khi mình trở thành mẹ, mình ý thức được ngay tầm quan trọng của việc chia sẻ, quan tâm và bảo vệ con trước những tác động tâm lý bên ngoài và đặc biệt là bạo lực học đường. Bản thân cha mẹ nên đặt mình vào vị trí của các con. Hãy trở thành bạn của con, đừng để con phải xây dựng những lớp khiên bảo vệ trước bố mẹ. Và từ đó, các con cảm thấy bố mẹ là chỗ dựa, là nơi các con tự nhiên chia sẻ những câu chuyện đời thường. Từ đó, phụ huynh dễ dàng nắm bắt vấn đề của các con và dễ giúp con vượt qua những chấn thương nếu có.”
Để thực hiện bám sát các quy định pháp luật về phòng chống bạo lực học đường hay thực hiện các biện pháp nắm bắt tâm lý học sinh thì điều quan trọng là thái độ nhìn nhận của các cơ sở giáo dục, các bậc phụ huynh trước vấn nạn này. Nếu nhà trường chỉ chú trọng vào công tác giảng dạy, mà quên đi một yếu tố rất quan trọng là môi trường học tập, nếu những bậc phụ huynh còn vội vã lo toan cuộc sống gia đình và cho rằng bù đắp cho con mình bằng vật chất thì dù có thêm những quy định pháp luật mới, tình trạng bạo lực học đường vẫn sẽ mãi là bài toán khó.
Theo Lê Vượng (Sinh viên Việt Nam, báo Tiền Phong)
Tác giả: Lê Vượng
Nguồn tin: svvn.tienphong.vn