Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn: “80% khán giả đến xem Tuồng là khán giả trẻ!”

Tuồng Việt Nam là một loại hình nghệ thuật truyền thống được hình thành và phát triển qua hàng nghìn năm lịch sử. Thế nhưng, các sân khấu Tuồng đang gặp không ít khó khăn trong việc níu kéo khán giả. Chúng tôi đã có buổi tiếp xúc với Nghệ sĩ Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam xoay quanh vấn đề “Hành trình bảo tồn nghệ thuật Tuồng truyền thống”.

Phóng viên (PV): Thưa NS Phạm Ngọc Tuấn, xin ông giới thiệu đôi nét về lịch sử hình thành của nghệ thuật Tuồng truyền thống Việt Nam?

NS Phạm Ngọc Tuấn: Tuồng của Việt Nam là một loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc được hình thành và phát triển hàng nghìn năm lịch sử. Theo đánh giá của các nhà khoa học, có thể nói manh nha hình thành nghệ thuật Tuồng vào thế kỷ thứ 13-14, tức là thời Lý-Trần và nó phát triển rực rỡ vào triều đình nhà Nguyễn thế kỷ 18-19. Và nghệ thuật Tuồng được nhà Nguyễn coi là “quốc kịch” cho nên nghệ thuật Tuồng được phát triển ở miền Trung và được nhà Nguyễn đưa vào các tỉnh miền Nam và Tây Nam Bộ. Nghệ thuật Tuồng từ triều đình nhà Nguyễn rồi vào miền Trung rồi đến miền Nam được phát triển rực rỡ. 

PV: Nghệ thuật tuồng từng ở thời kì hoàng kim, theo ông đánh giá, đâu là những lí do khiến tuồng nói riêng và các bộ môn nghệ thuật truyền thống nói chung dần mất đi khán giả của mình?

NS Phạm Ngọc Tuấn: Những ngày trước đây, có thể nói sự phát triển của nghệ thuật Tuồng có rất nhiều giai đoạn thăng trầm. Có giai đoạn thì phát triển cực thịnh, tuồng từng vùng miền được lưu giữ bởi nhân dân, các chế độ phong kiến cũng quan tâm, đầu tư. Tuy nhiên xã hội phát triển, sự du nhập văn hóa nước ngoài vào Việt Nam và yếu tố giải trí của khán giả mỗi ngày một thay đổi, cho nên có những lúc rất thăng trầm. Giai đoạn cách đây 5 đến 10 năm thì phải nói nghệ thuật Tuồng gặp rất nhiều khó khăn về yếu tố khán giả. 

z4721117808053 a70e2f6fe5cccbb4742f89bb50b1072d
NS Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ về những khó khăn mà Tuồng truyền thống đang gặp phải (Ảnh: Thu Huyền)

PV: Nói đến hoạt động bảo tồn nghệ thuật Tuồng là nói đến 2 đối tượng: lớp nghệ sĩ trẻ và lớp khán giả trẻ. Vậy thực trạng đào tạo lứa nghệ sĩ Tuồng trẻ hiện nay đang diễn ra như thế nào, thưa ông?

NS Phạm Ngọc Tuấn: Tính đến thời điểm hiện tại, đội ngũ nghệ sĩ gặp rất nhiều khó khăn mà một trong những khó khăn đó tác động đến sự duy trì, tồn tại và phát triển của nghệ thuật Tuồng. Chúng ta không có những con người tài năng thì cũng không thể nào có những tác phẩm hay, những vai diễn hay. Những người tài năng phải là những người có tâm huyết và năng khiếu. Những người có tài năng, hình thể đẹp, khuôn mặt đẹp thì đương nhiên người ta sẽ chọn những ngành nghề có thu nhập cao. Chính vì vậy việc đào tạo lớp trẻ đến với nghệ thuật Tuồng trong giai đoạn hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, chúng tôi đang gặp phải rất nhiều khủng hoảng về vấn đề đội ngũ kế cận cho nghệ thuật Tuồng truyền thống của Việt Nam. 

PV: Có một thực trạng mà các loại hình sân khấu nghệ thuật khác đang gặp phải, đó là “thầy già con hát trẻ”. Điều này có xuất hiện trong quá trình đào tạo các nghệ sĩ Tuồng trẻ hay không? 

NS Phạm Ngọc Tuấn: Đúng thế. Tuồng là một trong những loại hình nghệ thuật gặp khó khăn nhất trong các loại hình nghệ thuật truyền thống. Tuồng, Chèo, Cải lương thì Chèo và Cải lương vẫn có lớp đào tạo bên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Nhưng Tuồng hiện nay do đặc trưng vốn dĩ của Tuồng là đào tạo trung cấp. Lớp diễn viên vừa rồi, các bạn xem vở “Lửa cháy Phiên Ngung” là lớp diễn viên trẻ được đào tạo theo hệ trung cấp, dự án đào tạo liên kết giữa nhà hát Tuồng Việt Nam và Đại học Sân khấu Điện ảnh khóa 2014-2018. Nhưng từ 2018 đến nay, luật Giáo dục và Đào tạo thay đổi cho nên đào tạo trung cấp nghệ thuật Tuồng là Đại học Sân khấu Điện ảnh người ta không đào tạo, không thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của người ta nữa, không có một diễn viên Tuồng nào trong giai đoạn hiện nay và cách đây chắc chắn cũng phải 5-6 năm nữa cũng không thể có được.

z4721117796449 0dc3f19d0e6df3ddb8110ffa19b25dd6
Một cảnh trong vở Tuồng "Lửa cháy Phiên Ngung" (Ảnh: Bảo Ngọc)

PV: Được biết, năm 2021, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã xây dựng và ra mắt chương trình “Giới thiệu nghệ thuật Tuồng với khán giả trẻ”. Xin ông chia sẻ đôi chút về mục đích của chương trình này?

NS Phạm Ngọc Tuấn: Những năm trước đây, nhà hát chủ động xây dựng những kế hoạch để đưa nghệ thuật Tuồng đến với khán giả trẻ. Nhưng từ năm 2021, sau khi nhà hát xây dựng đề xuất với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thì đã được tạo điều kiện. Từ đó đến nay mỗi năm nhà hát được cấp một khoản kinh phí để đáp ứng cho việc đưa nghệ thuật Tuồng đến các trường Cao đẳng, Trung học và Đại học để giới thiệu nghệ thuật Tuồng với khán giả trẻ qua hình thức đào tạo khán giả. Chúng tôi nghĩ rằng đây là một trong những mô hình có hiệu quả để tạo ra sự gần gũi giữa nghệ thuật Tuồng truyền thống Việt Nam, một loại hình nghệ thuật khiến khán giả khó xem, khó đào tạo để tiếp cận với lớp trẻ chưa hiểu nhiều về nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật Tuồng truyền thống nói riêng.

PV: Vừa rồi ông có đề cập đến khái niệm “đào tạo khán giả”. Trước đây chỉ mới có khái niệm “đào tạo nghệ sĩ”, vậy thuật ngữ “đào tạo khán giả” nghĩa là gì, thưa ông?

NS Phạm Ngọc Tuấn: Đào tạo khán giả là bởi vì khán giả không hiểu được về nghệ thuật cũng như đào tạo kiến thức cho học sinh và sinh viên. Hiện tại, lớp trẻ không hiểu gì về nghệ thuật Tuồng truyền thống và đi xem không cảm nhận được cái hay, cái đẹp của nó. Chính vì vậy có khái niệm “đào tạo khán giả” là ở chỗ đấy, trước đây hầu như khán giả đi xem Tuồng người ta không hiểu được cái gì, việc đào tạo khán giả chính là tạo ra một cách làm mới, phương pháp tiếp cận mới để cho khán giả hiểu được, nắm được, cảm nhận được cái hay cái đẹp của nghệ thuật Tuồng, từ đấy họ mới yêu nghệ thuật Tuồng.

z4721117800161 7823b29dafbafc6c826b5db6e2bc88e1
NS Ngọc Tuấn chia sẻ về hướng đi mới để bảo tồn nghệ thuật Tuồng truyền thống (Ảnh: Thu Huyền)

PV: Có ý kiến cho rằng, một trong những điểm hạn chế của Tuồng và các loại hình nghệ thuật truyền thống khác là về mặt truyền thông. Ông nghĩ sao về nhận định này?

NS Phạm Ngọc Tuấn: Điều này đúng. Ngày hôm nay các bạn cũng biết rồi, thời buổi 4.0 hội nhập và phát triển. Sự phát triển Internet với tốc độ cao, tạo ra cho những người làm Tuồng và những người làm quản lý nghệ thuật Tuồng cũng có nhận thức đầy đủ cần phải có sự thay đổi để đưa những kiến thức mới, phương pháp mới để tạo ra những sản phẩm nghệ thuật một cách đích thực. Và nghệ thuật Tuồng phải trở thành những sản phẩm, những hàng hóa đặc biệt và muốn như vậy thì công tác truyền thông cần phải làm tốt.

PV: Hiện nay đang dần xuất hiện nhiều dự án do các bạn trẻ thực hiện nhằm truyền thông, giới thiệu về nghệ thuật tuồng ví dụ như dự án Trường Ca Kịch Viện. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các bạn trẻ trong việc truyền thông, bảo tồn nghệ thuật truyền thống?

NS Phạm Ngọc Tuấn: Tôi rất vui, rất cảm động và cũng cảm ơn với các bạn trẻ của Trường Ca Kịch Viện. Các bạn cũng đã vào cuộc một cách tự nhiên và có những cảm xúc, nhận thức về nghệ thuật Tuồng một cách thoải mái, không gượng ép. Các bạn cảm nhận thông qua các buổi biểu diễn, chính từ việc các bạn hiểu được nó và nhận thức được rằng việc này cần phải làm cho giới trẻ, cho xã hội biết đến, các bạn vào cuộc một cách công khai, tích cực, tự nhiên. Chính việc vào cuộc của các bạn tích cực, tôi cảm nhận được cách làm của các bạn rất khoa học, rất có trách nhiệm. Tôi rất muốn lôi kéo các bạn ấy vào để giúp cho nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật Tuồng truyền thống nói riêng làm tốt được công tác truyền thông, giới thiệu nghệ thuật Tuồng đến với khán giả trẻ.

z4721117795870 fa179e5bc45913b09c54744e5569a270
Các thành viên dự án Trường Ca Kịch Viện chụp ảnh cùng ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam và một số nghệ sĩ (Ảnh: NVCC)

PV: Nhiều người nhận định giới trẻ đang quay lưng với Tuồng truyền thống. Thưa ông, điều này có đúng hay không?

NS Phạm Ngọc Tuấn: Cũng không hẳn. Hiện nay tần suất các vở Tuồng cũng nhiều lên và đặc biệt là mỗi buổi diễn số lượng khán giả đến xem rất đông. Trước đây có thể nói là 80% khán giả lớn tuổi, nhưng bây giờ nó quay ngược lại là 80% khán giả trẻ và đây là cái đáng mừng nhất của nghệ thuật Tuồng truyền thống. Mặc dù hiện nay vẫn chỉ trên hình thức là mời miễn phí, chưa phải là các bạn ấy bỏ tiền ra. Hiện nay chúng tôi đang triển khai công tác giới thiệu nghệ thuật Tuồng đến với khán giả trẻ trong dịp năm học mới này. Tới đây cũng có rất nhiều trường mời nhà hát đến để biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật Tuồng với các học sinh cũng như sinh viên của các trường trong dịp năm học mới 2023-2024. 

PV: Thời gian tới, Nhà hát Tuồng Việt Nam có hướng đi, dự định như thế nào để tiếp cận nhiều hơn đến khán giả trẻ?

NS Phạm Ngọc Tuấn: Chúng tôi vẫn tiếp tục xây dựng chương trình giới thiệu nghệ thuật Tuồng đến với khán giả trẻ và quan hệ với rất nhiều đơn vị truyền thông để tạo ra nhiều kênh thông tin trên các trang, các phương tiện khác nhau. Hi vọng rằng trong thời gian tới nghệ thuật Tuồng truyền thống của Việt Nam cũng sẽ có nhiều khán giả đến xem một cách nhiệt tình và có trách nhiệm đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội cũng như sự phát triển của nghệ thuật.

PV: Xin cảm ơn ông đã nhận lời tham gia phỏng vấn.  

 

Tác giả: Dương Thị Bảo Ngọc - Nguyễn Thị Thu Huyền

Tin liên quan
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây