Gần đây, mạng xã hội lan truyền thông tin cho rằng lương cơ bản sẽ được tăng gấp đôi từ ngày 1/7/2025, gây xôn xao dư luận, đặc biệt là trong giới công chức và người lao động. Tuy nhiên, theo xác nhận từ các cơ quan chức năng và căn cứ vào hệ thống pháp luật hiện hành, hiện chưa có bất kỳ quy định chính thức nào liên quan đến việc tăng gấp đôi mức lương cơ bản trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia, hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có khái niệm cụ thể về “lương cơ bản” trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào. Đây chỉ là cách gọi quen thuộc trong lĩnh vực lao động và tiền lương, nhằm chỉ mức lương cố định được ghi trong hợp đồng lao động, không bao gồm các khoản phụ cấp, thưởng hay phúc lợi khác.
Hiểu đơn giản, lương cơ bản là phần lương "cứng", được trả cho người lao động theo công việc đã thỏa thuận, đồng thời là căn cứ để tính các khoản như bảo hiểm xã hội, giờ làm thêm, hoặc các chế độ khác có liên quan.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong khu vực nhà nước:
Mức lương cơ bản được tính bằng công thức:
Lương cơ bản = Lương cơ sở x Hệ số lương
Trong đó, lương cơ sở là mức chung do Nhà nước quy định theo từng giai đoạn.
Đối với người lao động trong khu vực doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước:
Mức lương cơ bản thường được xác lập dựa trên lương tối thiểu vùng, căn cứ vào địa bàn làm việc và ngành nghề.
Hiện nay, theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP, mức lương cơ sở đang được áp dụng từ ngày 1/7/2024 là 2.340.000 đồng/tháng.
Đối với lương tối thiểu vùng, Nghị định 74/2024/NĐ-CP cũng quy định rõ mức áp dụng từ ngày 1/7/2024 như sau:
Vùng I: 4.960.000 đồng/tháng
Vùng II: 4.410.000 đồng/tháng
Vùng III: 3.860.000 đồng/tháng
Vùng IV: 3.450.000 đồng/tháng
Vùng | Mức lương tối thiểu tháng (đồng/tháng) | Mức lương tối thiểu giờ (đồng/tháng) |
Vùng I | 4.960.000 | 23.800 |
Vùng II | 4.410.000 | 21.200 |
Vùng III | 3.860.000 | 18.600 |
Vùng IV | 3.450.000 | 16.600 |
Các mức này đang được dùng làm căn cứ pháp lý để doanh nghiệp thỏa thuận mức lương cơ bản với người lao động, đảm bảo không thấp hơn lương tối thiểu theo vùng.
Gần đây, cũng xuất hiện thông tin về đề xuất tăng lương cơ bản tối đa đối với lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước lên tới 80 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đây chỉ mới là đề xuất đang được xem xét, chưa phải là quy định chính thức. Việc điều chỉnh các mức lương cao cấp này phải qua nhiều vòng thẩm định và phê duyệt từ các cấp có thẩm quyền.
Với thông tin lan truyền về việc "tăng gấp đôi lương cơ bản từ ngày 1/7/2025", các cơ quan chuyên môn khẳng định đây hoàn toàn là tin đồn, không có cơ sở pháp lý tại thời điểm hiện tại. Việc điều chỉnh mức lương cơ sở hoặc lương tối thiểu trong năm 2025, nếu có, sẽ phải được trình lên Quốc hội, thông qua các nghị định, và công bố rộng rãi qua các phương tiện thông tin chính thống.
Người lao động và các đơn vị sử dụng lao động cần tỉnh táo, theo dõi thông tin từ các nguồn chính thống như Cổng thông tin Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hoặc Văn phòng Quốc hội để tránh bị nhiễu loạn thông tin hoặc đưa ra các quyết định sai lầm trong kế hoạch tài chính, tiền lương.
Tác giả: Hồng Nhung
Nguồn tin: vtv.vn