Tăng giá – Giảm diện tích
Sau khi chắc suất đỗ xét tuyển một trường đại học tại Hà Nội, Huy Tuấn (sinh năm 2005) quyết định “xuất phát sớm” đến thủ đô với tâm lý tìm được phòng trọ giá hợp lý, sớm ổn định cuộc sống. Thế nhưng sau gần 3 tuần tìm kiếm trên các hội, nhóm cho thuê phòng trọ trên mạng xã hội, đi xem hơn 10 căn phòng, Tuấn vẫn chưa thể ra quyết định vì chưa tìm được nơi nào phù hợp với tài chính gia đình.
Nhiều người quyết định đi trực tiếp đến những khu vực gần các trường đại học sau khi bất lực vì đi theo những lời quảng cáo của môi giới trên mạng. |
“Mỗi tháng gia đình sẽ chu cấp cho em 2.500.000đ, trừ các chi phí sinh hoạt và xăng xe thì ngân sách em có thể chi cho tiền thuê trọ khoảng 1.500.000đ mỗi tháng. Em có tham khảo các phòng đơn thì đa phần giá thuê nhà và dịch vụ đã lên tới 1.800.000đ đến hơn 2.000.000đ. Những phòng rẻ hơn thì chất lượng quá tệ, nhiều phòng dạng hộp diêm, đến việc hít thở cũng khó khăn.”
Đón đầu nhu cầu thuê phòng tăng cao trước thềm nhập học, nhiều chủ trọ, người kinh doanh phòng trọ đang đẩy giá phòng, gây khó khăn cho đối tượng sinh viên và những người lao động có mức thu nhập thấp. Theo ghi nhận, tại khu vực trung tâm quận Cầu Giấy, Ba Đình… những căn hộ mini cho thuê có giá giao động từ 3.500.000đ đến 5.500.000đ tuỳ vào diện tích và cơ sở vật chất theo phòng. Cá biệt có những chủ trọ, người kinh doanh trang trí thêm một ít đồ dùng trong phòng chỉ để ép giá.
Căn phòng với thiết kế ngủ cạnh bình nóng lạnh có giá 3.500.000 và căn phòng chưa đầy 15m vuông có giá 3.200.000đ. Ảnh: NVCC |
Ở phân khúc thấp hơn, tìm đến những phòng trọ có giá dưới 3.000.000đ, người đi thuê sẽ nhận được những phòng trọ chỉ có một chiếc giường, tủ đi kèm với không gian chật, hẹp và các bất lợi như nhà vệ sinh chung, không có nơi để xe, không có điều hoà… Những căn phòng trọ này thường đã cũ hoặc là những phòng được cơi nới, dựng thêm bằng những vách ngăn, nhiều phòng thậm chí còn ẩm mốc. Nhìn chung, “tăng giá – giảm diện tích” là tình hình chung của thị trường phòng trọ, căn hộ mini cho thuê trước thềm tân sinh viên ồ ạt đến các thành phố lớn nhập học.
Căn phòng “bất đắc dĩ” tại Bắc Từ Liêm được chủ trọ dựng trên nóc nhà để có thêm phòng cho thuê, cơi nới thêm cầu thang, dây điện,… tiềm ẩn nhiều rủi ro. |
Ngoài ra, người thuê nhà cũng gặp những tình trạng phổ biến như hình trên mạng không giống như thực tế do những người “rao nhà” chụp ảnh bằng hiệu ứng góc rộng. Cá biệt, nhiều tân sinh viên mắc phải tình trạng “lừa đảo cọc tiền trọ”. Nhiều đối tượng lừa đảo lợi dụng nhu cầu thuê phòng trọ tăng cao, đăng bài “chào hàng” trong các hội, nhóm cho thuê phòng trọ, căn hộ… với giá rẻ và sau đó, bắt người thuê phải cọc một khoản tiền để “giữ nhà”. Hình thức lừa đảo này không mới nhưng cũng không ít người vẫn bị mắc lừa.
Liên tục có những bài cảnh báo về tình trạng lừa cọc tiền trọ. |
Kinh doanh kiểu “tận thu”
Mai Dung hiện đang là sinh viên năm 3 của một trường đại học tại Hà Nội, trước đây, Dung ở cùng một người chị đồng hương. Sau đợt tốt nghiệp, vì bạn cùng phòng về quê làm việc, Mai Dung phải tìm phòng trọ mới. Dù đã được báo trước vài tháng nhưng việc tìm trọ với nữ sinh này chẳng dễ dàng gì khi đứng trước bài toán giá phòng trọ, giá dịch vụ sau vài năm đã thay đổi chóng mặt và phát sinh nhiều điều khoản vô lý.
Mai Dung tâm sự: “Phòng cũ của em thuê cách đây 2 năm, giá phòng là 2.200.000đ và từ ngày em bắt đầu lên thủ đô thuê đến hiện tại chưa hề thay đổi giá, tiền điện là 3000đ/1 số và 20.000đ/1 khối nước. Ngoài ra, em và bạn cùng phòng chỉ phải đóng thêm 20.000đ tiền phí dịch vụ vệ sinh và 100.000đ tiền internet (tính theo phòng). Với giá phòng và dịch vụ như vậy, hằng tháng mỗi người chỉ cần bỏ ra từ 1.300.000đ đến 1.500.000đ. Với mức giá này, em thấy phù hợp cho các bạn sinh viên như em.”
Giá dịch vụ tăng bất hợp lý và được những người kinh doanh gọi là “giá chung”. |
Sau 2 năm, quay trở lại với các hội, nhóm tìm và cho thuê phòng trọ trên mạng xã hội, Mai Dung bất ngờ khi giá thuê phòng hiện nay đã tăng lên khá nhiều, ngoài ra người đi thuê phải chịu đủ loại phí dịch vụ đắt đỏ, thậm chí có những khoản thu vô lý.
Nếu như trước đây, người thuê trọ dùng bao nhiêu, trả bấy nhiêu theo báo giá của các chủ nhà trọ thì hiện nay, có nhiều khoản chi phí được quy định theo đầu người. Nhiều phòng trọ, căn hộ mini cho thuê quy định tiền nước mỗi người từ 70.000đ đến 100.000đ/tháng. Như vậy trung bình một phòng sẽ phải trả 200.000đ cho tiền nước dù có những tháng không dùng trong khi giá nước nhiều nơi cũng thu vượt mức quy định. Mức giá này đang rục rịch tăng cao khi UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định 3541/QĐ-UBND ngày 07/7/2023 phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn, theo đó giá nước kinh doanh lên tới 27.000đ. Ngoài giá nước, nhiều nơi còn ngặt nghèo đến mức chia đầu người để thu tiền internet từ 70.000 đến 100.000đ/tháng.
Minh Tuấn, sinh viên năm 2 tại Hà Nội bày tỏ sự khó khăn khi trường của Tuấn được nghỉ 2 tháng hè. Trong thời gian đó, Tuấn và bạn cùng phòng vẫn phải thanh toán tiền nước và một số dịch vụ khác như đã thoả thuận với chủ nhà.
“Mình về quê, không dùng nước và các dịch vụ khác nhưng vẫn phải đóng tiền vì chủ trọ đã chia theo đầu người. Khi mình xin tiền của bố mẹ khi đến hạn đóng, bố mẹ cũng thắc mắc điều này và mình lại phải giải thích, nhiều khi rất bất tiện.”
Hoá đơn tiền điện của các bạn sinh viên chia sẻ lên đến hàng triệu đồng với giá 4.000đ, 4.500đ/kWh. |
Dù nhiều lần bị phản ánh thu giá điện vượt ngưỡng cho phép là 3.015/kWh (Căn cứ vào Phụ lục của Quyết định số 1062/QĐ-BCT ngày 04 tháng 5 năm 2023 của Bộ Công thương), thế nhưng theo ghi nhận, đa số các chủ trọ đều thu giá điện với “mức chung” là từ 3.500đ đến 4000đ/kWh, thậm chí có những nơi chạm mức 5000đ/kWh.
Rõ ràng, điều này vi phạm pháp luật, thế nhưng hầu hết các hội nhóm kinh doanh, cho thuê phòng trọ đều công khai mức giá như vậy. Khi liên hệ với một số chủ trọ, họ đều khẳng định là “giá hợp lý”, “giá chung” vì khu này “nhà nào cũng vậy”.
Trường hợp của Minh Tuấn, nam sinh này cho rằng mình “may mắn” khi tìm được phòng có giá điện 3.500đ/kWh bởi bạn bè của cậu thuê nhà có giá điện trung bình là 4000đ/kWh, nhiều khu vực trung tâm giá còn cao hơn. Tuấn chia sẻ: “Mình quyết định thuê phòng này dù cách trường em 7km vì giá điện rẻ hơn nhiều nơi khác. Mùa đông thì còn đỡ, mùa hè đến chúng mình không thể không dùng điều hoà và khi ấy tiền điện trở thành gánh nặng. Do đó tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy.”
Giá điện, nước phòng trọ đang là chủ đề hot nhất trong các hội, nhóm sinh viên đại học. |
Ngoài việc trả tiền thuê phòng hằng tháng, tiền điện, nước và internet, người thuê nhà phải trả tiền gửi xe trong căn hộ mình thuê (thường từ 50.000đ – 100.000đ mỗi tháng), nhiều khu nhà có thang máy còn thu mỗi người từ 50.000đ đến 100.000đ; tiền sử dụng máy giặt chung từ 50.000đ - 100.000đ; nấu ăn bếp chung 50.000đ/người. Thậm chí, nhiều nơi vẫn thu các loại phí dịch vụ dù khu trọ không đầy đủ các tiện ích.
Dường như động đến bất cứ thứ gì trong nhà cũng mất tiền, giá dịch vụ bất hợp lý, giá điện, giá nước vượt ngưỡng, nhiều phòng trọ “mô hình hộp diêm” căn hộ mini cho thuê thiết kế không an toàn, không đảm bảo chất lượng sống…Tất cả những vấn đề ấy đang ảnh hưởng trực tiếp và trở thành nỗi lo, gánh nặng của sinh viên và những người lao động thu nhập thấp.
Cầu vượt cung, như cách một số chủ trọ nói rằng “vắng mợ chợ vẫn đông”, sinh viên và những người lao động thu nhập thấp vẫn phải chấp nhận ở trong những phòng trọ, căn hộ mini cho thuê có mức giá “bóp nghẹt” như vậy.
Pháp luật quy định thế nào về giá điện kinh doanh
Theo khoản 2 Điều 2 Thông tư 09/2023/TT-BCT đã sửa đổi quy định về giá bán lẻ điện sinh hoạt đối với sinh viên và người lao động thuê nhà đối với bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình. Đối với trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê không phải là một hộ gia đình) mức giá điện bán lẻ điện sinh hoạt được quy định như sau:
Đối với trường hợp bên thuê nhà có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú, thường trú (xác định theo Thông tin về cư trú tại địa điểm sử dụng điện) thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà).
Trường hợp thời hạn cho thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3: Từ 101 - 200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ.
Luật sư Dương Lê Ước An (Công ty luật Hợp danh Đại An Phát) cho biết: “Ngày 04/5/2023, Bộ Công thương ban hành Quyết định 1062/QĐ-BCT năm 2023 quy định về giá bán điện. Theo đó, Quyết định 1062/QĐ-BCT năm 2023 xác định mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh. Trong đó, giá nêu trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Đồng thời, Quyết định cũng ban hành bảng giá điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán lẻ điện cho các đơn vị bán lẻ điện tại Phụ lục ban hành kèm theo. Tại đây, giá bán lẻ điện sinh hoạt được tăng lên với mức tối đa là 3.015 đồng/kWh.
Căn cứ Phụ lục ban hành kèm Quyết định 1062/QĐ-BCTnăm 2023 quy định giá điện sinh hoạt được tính lũy tiến theo bảng giá bán lẻ như sau:
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 |
1.728 |
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 |
1.786 |
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 |
2.074 |
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 |
2.612 |
Bậc 5: Cho kWh từ 301 - 400 |
2.919 |
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên |
3.015 |
Hiện nay, nhiều chủ trọ không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện và thông thường khi cho sinh viên thuê trọ thì thời hạn cho thuê nhà thường dưới 12 tháng. Nên do đó, người thuê trọ chỉ phải trả mức giá điện tương ứng giá bán lẻ điện sinh hoạt ở bậc 3 là 2.074 đồng/kWh”.
Khó xử lý vi phạm
Việc các chủ trọ, các chủ căn hộ mini, chung cư mini thu tiền điện nước cao hơn mức cho phép nhằm mục đích kinh doanh là vi phạm pháp luật. Hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp đã chiếm đoạt (căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP, sửa đổi bởi Khoản 15 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP).
Luật sư Lê Dương Ước An cho rằng việc xử phạt những hành vi thu tiền điện, nước vượt mức cho phép còn nhiều bất cập, khó xử lý. |
Luật sư Dương Lê Ước An cũng cho biết thêm: “Mặc dù, giao ước giữa bên cho thuê, người thuê được sự đồng ý của hai bên nhưng đã vi phạm điều cấm của pháp luật vì đã thu mức giá tiền điện, nước cao hơn so với quy định của luật. Trong khi đó, bản chất hợp đồng thuê nhà là một giao dịch dân sự mà khi giao dịch dân sự vi phạm pháp luật thì giao dịch sẽ bị vô hiệu.
Do vậy, chủ trọ vẫn bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Đồng thời, người cho thuê thu lợi bất hợp pháp còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm cho cá nhân, tổ chức bị chiếm đoạt…”
Tuy nhiên, hiện nay việc xử phạt những vi phạm này còn nhiều bất cập. Tại nhiều khu trọ, mọi giao dịch đều là "giao dịch miệng". Việc này gây khó khăn trong việc kiểm soát và nắm bắt thông tin. Và bởi tiền điện, tiền nước thường được cộng chung với tiền nhà và tiền dịch vụ, sau đó thanh toán bằng phương thức chuyển khoản do đó rất khó khăn trong việc lưu giữ tư liệu. Tư liệu duy nhất có thể dùng là hợp đồng thuê nhà. Đây cũng là những lưu ý khi những người thuê trọ đưa ra quyết định.
Dù đã có các chế tài xử lý nhưng với tình trạng ở đâu cũng nói “giá chung” thì người đi thuê “chạy đâu cho khỏi nắng” sau khi tố giác hành vi vi phạm của người kinh doanh phòng trọ. Rõ ràng, để giải quyết tình trạng này, cần có sự vào cuộc quyết liệt, quy mô và đồng bộ hơn của các cấp quản lý và cơ quan chức năng.
Theo Lê Vượng - Minh Toàn (Báo điện tử VTV)
Tác giả: Lê Vượng
Nguồn tin: vtv.vn