Tối 23/6, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Câu lạc bộ (CLB) Di sản Áo dài Việt Nam Thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ ra mắt đánh dấu một bước ngoặt mới trong hành trình gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa và bản sắc dân tộc.
Sự kiện này không chỉ nhằm tôn vinh áo dài như một biểu tượng văn hoá truyền thống lâu đời mà còn mở ra cơ hội cho những người đam mê áo dài được kết nối, chia sẻ niềm tự hào và cùng nhau thúc đẩy việc xây dựng không gian văn hoá cho áo dài, tiến tới hoàn thiện hồ sơ đệ trình lên UNESCO công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và xa hơn nữa là di sản thế giới.
![]() |
Phát biểu tại buổi lễ, TS Đặng Thị Bích Liên, Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Danh dự CLB Di sản Áo dài Việt Nam cho biết, CLB Di sản Áo dài Việt Nam là đơn vị trực thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam, được thành lập nhằm tôn vinh, quảng bá và lan tỏa những giá trị văn hóa của áo dài Việt Nam không chỉ ở trong nước, mà còn trên phạm vi toàn thế giới.
Thời gian qua, CLB đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của nhiều địa phương trên cả nước cũng như một số cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Lần lượt các CLB Di sản Áo dài Việt Nam được thành lập tại các tỉnh thành trong nước và quốc tế, trở thành ngôi nhà chung cho những người yêu quý, trân trọng áo dài, đồng thời tiếp tục phát huy, quảng bá giá trị áo dài Việt Nam trong đời sống đương đại.
“Tôi tin tưởng rằng, CLB Di sản Áo dài Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ tạo được những dấu ấn riêng, những nét đặc sắc riêng của phụ nữ Thủ đô trong các hoạt động, sự kiện, sinh hoạt của CLB” - TS Đặng Thị Bích Liên phát biểu.
![]() |
Chia sẻ với Tạp chí Phụ nữ Mới bà Nguyễn Thị Hương - Chủ tịch CLB Di sản Áo dài Việt Nam Thành phố Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, CLB sẽ tổ chức các hoạt động kết nối với 30 quận huyện tại nội ngoại thành TP. Hà Nội, kết nối với những người yêu áo dài, những người đam mê áo dài, các NTK, các doanh nghiệp... để có xây dựng một môi trường, , một không gian văn hóa, một môi trường văn hóa hỗ trợ, lan tỏa tình yêu và những nét đẹp của áo dài tới cộng đồng.
“Trong bối cảnh hiện đại và toàn cầu hóa, việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa áo dài có thể phát triển theo nhiều hướng: Việc bảo tồn và phát triển di sản áo dài truyền thống sẽ tiếp tục được gìn giữ và sử dụng trong các sự kiện văn hóa và lễ hội quan trọng. Các nhà thiết kế sẽ cách tân áo dài với nhiều kiểu dáng, chất liệu, họa tiết hiện đại, phù hợp với giới trẻ. Bên cạnh đó, áo dài cũng được CLB giới thiệu rộng rãi ra thế giới qua các buổi trình diễn thời trang, phim ảnh, các chiến dịch quảng bá. Ứng dụng trong đời sống thì áo dài có thể được biến tấu để tiện dụng hơn, phù hợp với nhiều đối tượng hơn như: công sở, trường học thậm chí là trang phục thường ngày. Sự hỗ trợ từ chính phủ, các tổ chức văn hóa sẽ giúp bảo tồn và phát triển giá trị của di sản áo dài trở nên bền vững hơn” - Chủ tịch CLB Di sản Áo dài Việt Nam Thành phố Hà Nội chia sẻ.
![]() |
![]() |
Trong khuôn khổ buổi lễ, đông đảo người yêu áo dài đã được thưởng thức màn trình diễn bộ sưu tập (BST) áo dài Nhí và BST áo dài "Di sản ngàn năm" của NTK Hương Beful.
![]() |
![]() |
![]() |
Bên lề sự kiện, ca sĩ Hàn Minh Tú bày tỏ niềm vui khi được tham gia Lễ ra mắt CLB Di sản Áo dài Việt Nam Thành phố Hà Nội. “Áo dài là một di sản văn hóa quý giá. Trải qua lịch sự sử hàng trăm năm, áo dài giờ đây đã trở thành biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của áo dài cần được nhân rộng không chỉ tại Việt Nam mà cần nhân rộng tới các kiều bào trên toàn thế giới. Hàn Minh Tú cũng kỳ vọng CLB Di sản Áo dài thành phố Hà Nội sẽ có nhiều hoạt động thiết thực, kết nối được nhiều tỉnh thành trong cả nước tiếp tục tôn vinh, quảng bá hình ảnh áo dài đến với cộng đồng quốc tế.”
Tác giả: Diệu Thuần - Hoàng Toàn
Nguồn tin: phunumoi.net.vn