Ngày 22/3, tại Bắc Ninh, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I phối hợp với Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ và Khởi nghiệp (COSTAS) thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ, tư vấn thuộc Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ KH&CN tổ chức lớp đào tạo tập huấn về “Sở hữu trí tuệ, phương thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và Đàm phán hợp đồng chuyển giao công nghệ”.
|
Đây là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược nghiên cứu, phát triển Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, nhằm đẩy mạnh việc đăng ký bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích của các sản phẩm khoa học công nghệ.
Lớp đào tạo được tổ chức dưới 02 hình thức: trực tiếp và trực tuyến, thu hút được sự tham gia của hơn 40 học viên là lãnh đạo các trung tâm, phân viện, các chủ nhiệm đề tài, cá nhân nhà khoa học, các thầy cô giảng viên và sinh viên trong lĩnh vực thủy sản của Viện nghiên cứu NTTS 1,2,3, Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật thủy sản, Viện Nghiên cứu hệ Gen, Chi hội NTT Trường ĐH Bách Khoa…. với địa bàn rộng từ Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh….
|
Tại lớp đào tào, ThS. Lê Thị Khánh Vân, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm và những bài học hay về “Phương thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và Đàm phán hợp đồng chuyển giao công nghệ” và đặc biệt là cách chuyển các kết quả nghiên cứu thành nguồn lực tài chính.
Bà Lê Thị Khánh Vân cho biết: “Cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, đây là một lợi ích thiết thực, trực tiếp và được các doanh nghiệp đặt lên hàng đầu. Từ việc nâng cao được chất lượng sản phẩm sẽ làm cho doanh nghiệp duy trì, củng cố và mở rộng thị phần của sản phẩm, tạo thêm sản phẩm mới, đáp ứng được các quy định, tiêu chuẩn, luật lệ; giảm tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng; cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao độ an toàn sản xuất cho người và thiết bị; giảm tác động xấu đến môi trường... Vì vậy có thể khẳng định đổi mới công nghệ là một tất yếu phù hợp với quy luật phát triển.”
“Thực tế cho thấy, nhiều dự án đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ có triển vọng nhưng bị thất bại; nguyên nhân thì nhiều nhưng lý do chính là năng lực đàm phán kém, kỹ thuật soạn thảo Hợp đồng yếu đã trở thành những rào cả và phát sinh tranh chấp chấp, khiếu kiện trong quá trình thực hiện chuyển giao công nghệ" - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp cho hay.
Theo ThS. Lê Thị Khánh Vân một Hợp đồng chuyển giao công nghệ thành công phải hội tụ 3 yếu tố: Thứ nhất, có tính khả thi và công bằng. Thứ hai, quan tâm đến lợi ích của cả các Bên. Và phải phù hợp với pháp luật của quốc gia Bên nhận
Trong quá trình đàm phán, cần chú ý: Đánh giá đúng giá trị của công nghệ; Hiểu rõ về thị trường mục tiêu; Có cán bộ giỏi tham gia đàm phán; Tìm phương án tối ưu cho cả hai bên; Kiểm tra thị trường; Kiểm tra các nguồn lực; Nắm vững hệ thống pháp luật về chuyển giao công nghệ, Có nhiều nguồn thông tin tin cậy.
|
Chia sẻ về Quản lý Sở hữu trí tuệ (SHTT) trong nghiên cứu khoa học (NCKH) và phát triển công nghệ lĩnh vực Nuôi trồng thủy sản; Bảo hộ quyền SHTT đối với kết quả NCKH và phát triển công nghệ, TS. Khổng Quốc Minh (Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và Hỗ trợ, tư vấn, Cục Sở hữu Trí tuệ) đã nhắc lại một số khái niệm về sở hữu trí tuệ; nhận diện tài sản trí tuệ là kết quả của nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; Nâng cao hiệu quả Xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Dưới sự điều dẫn của TS. Khổng Quốc Minh, các học viên đã tham gia thảo luận rất sôi nổi về “Vấn đề quản lý SHTT trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ lĩnh vực nuôi trồng thủy sản”.
|
Chiều cùng ngày, dưới sự hướng dẫn của ThS. Vũ Thùy Liên, Phó Giám đốc Trung tâm Giao dịch thông tin công nghệ và thiết bị, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, các học viên đã được thực hành cách tìm kiếm và khai thác thông tin KH&CN trong và ngoài nước như: Khai thác các cơ sở dữ liệu (CSDL) trên Hệ thống thông tin khoa học và công nghệ, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia (VISTA), khai thác thông tin trên trang Techmartvietnam.vn và CSDL Compas.
Tham gia Lớp tập huấn, các học viên đã thu được rất nhiều thông tin, kiến thức bổ ích, mới mẻ, những vấn đề khó khăn trong thực tế gặp phải cũng được các học viên cùng chia sẻ trong phần hỏi đáp để được tư vấn trực tiếp và tiếp tục kết nối để các kết quả NCKH được chuyển giao/thương mại hóa rộng hơn, đảm bảo sự bảo hộ đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế về KHCN.
|
Tác giả: Diệu Hương
Nguồn tin: phunumoi.net.vn