Bộ trưởng Diên thừa nhận các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực đấu tranh với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, với sự phát triển của kinh doanh online và livestream bán hàng, việc kiểm soát và xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn hơn. “Hiện nay, chúng ta còn thiếu quy định và chế tài cụ thể để xử lý các mô hình kinh doanh, quảng cáo mới như livestream,” ông Diên nhận định.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công Thương đang phối hợp với Chính phủ xây dựng dự thảo Luật Thương mại điện tử, dự kiến trình Quốc hội xem xét vào tháng 10/2025. Dự thảo sẽ làm rõ cơ chế phối hợp liên ngành, phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong quản lý giao dịch thương mại điện tử, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý các mặt hàng vi phạm. Các cơ quan quản lý địa phương sẽ chịu trách nhiệm rà soát, xử lý các hành vi lợi dụng livestream và ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái hoặc sản phẩm kém chất lượng.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, nhấn mạnh rằng việc chống hàng giả và gian lận thương mại là yêu cầu sống còn đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, bà cho rằng các biện pháp hiện nay vẫn chưa đủ mạnh để ngăn chặn các vi phạm nghiêm trọng. Bà Trân đề nghị siết chặt quản lý nội dung quảng cáo, đặc biệt đối với các sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe, nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi những thông tin sai lệch, thao túng.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội
Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Thanh Hương, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy An Giang, bày tỏ lo ngại về tình trạng phân bón giả và thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng đang gây bất an cho nông dân. Theo thống kê từ Hiệp hội Phân bón Việt Nam, mỗi năm nông dân sử dụng khoảng 11-12 triệu tấn phân bón các loại, nhưng ngành nông nghiệp thiệt hại khoảng 2,5 tỷ USD do sử dụng sản phẩm kém chất lượng. Điều này không chỉ làm giảm năng suất, chất lượng nông sản mà còn phá hoại chuỗi giá trị nông nghiệp và làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng.
Bà Hương đề xuất làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, tổ chức cấp phép và kiểm soát lưu thông hàng hóa, đồng thời khắc phục tình trạng chồng chéo trong quản lý. Bà cũng kêu gọi xử lý nghiêm các hành vi tiếp tay cho sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng nguyên nhân chính của vấn nạn hàng giả, hàng nhái là do lợi nhuận cao từ các hoạt động này, trong khi một số đối tượng lợi dụng công nghệ cao để gian lận trên các nền tảng số và thương mại điện tử. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn hạn chế, thiếu đồng bộ. “Một bộ phận cán bộ quản lý thoái hóa, biến chất, tiếp tay cho các hành vi vi phạm, trong khi chế tài chưa đủ sức răn đe,” ông Diên thẳng thắn chỉ ra.
Để giải quyết, Bộ Công Thương cam kết đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường phối hợp liên ngành. Dự thảo Luật Thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế số.
Tác giả: Hồng Nhung
Nguồn tin: vnexpress.net